Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổi của bé bị tổn thương do sự tấn công của virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… Chúng sinh sôi, phát triển và tạo ra những ổ nhiễm khuẩn bên trong phổi. Vậy viêm phổi ở các bé sơ sinh có nguy hiểm hay không và cách chăm sóc hiệu quả nhất là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn những thông tin này với bài viết bên dưới đây.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
– Virus là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm phổi ở các bé sơ sinh, xảy ra theo mùa và có thể trở thành dịch.
– Các loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi ở các bé sơ sinh là Haemophilus Influenzae, S. Pneumoniae, S. Aureus,…
– Bé hít phải phân su, nước ối trong quá trình sinh khiến con bị nhiễm phải một số loại vi khuẩn như Cytomegalovirus, Haemophilus Influenzae, S. Pneumoniae, Klebsiella,…
– Những trẻ đẻ non, thiếu cân, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên thường bị trào ngược dạ dày thực quản, dẫn đến bệnh viêm phổi.
– Khi bú sữa mẹ, nếu trẻ bị nôn trớ, sữa sẽ đi theo đường thở vào trong phổi. Lượng sữa bị hít vào trong phổi càng nhiều thì khả năng trẻ sơ sinh bị viêm phổi càng cao.
– Trẻ mắc bệnh viêm dây rốn, viêm da cũng có thể bị viêm phổi.
– Bé có thể bị nhiễm khuẩn từ môi trường và các dụng cụ nếu không được vô trùng trong quá trình sinh nở, hồi sức và chăm sóc sau khi sinh.
– Môi trường sống của trẻ sơ sinh kém vệ sinh, không khí ô nhiễm, nguồn nước bẩn, khói thuốc lá,…
– Trẻ không được ủ ấm hoặc được ủ ấm quá kỹ nên bị toát mồ hôi nhưng lại không được lau sạch khiến bé dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến bệnh viêm phổi.
– Bố mẹ không biết cách chăm sóc trẻ và không cho con đi tiêm phòng đầy đủ.
– Thời tiết đột ngột thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc trái lại.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi ở các bé sơ sinh
2. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm hay không?
Nếu bệnh viêm phổi ở các bé sơ sinh được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì không có đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi con có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ phải cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt để phòng tránh những biến chứng sau đây:
2.1. Viêm màng não
Khi bệnh viêm phổi chuyển nặng, vi khuẩn sẽ tấn công mạnh mẽ nhưng cơ thể trẻ lại không đủ sức đề kháng để chống cự. Nếu để lại mà không được điều trị, bệnh viêm phổi có thể để lại các di chứng không thể phục hồi như tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh, bị điếc, mù, giảm khả năng vận động.
2.2. Nhiễm trùng máu
Các vi khuẩn có thể xâm nhập và tấn công vào hệ tuần hoàn gây biến chứng sốc nhiễm trùng và nhiễm trùng máu. Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể bị tử vong.
2.3. Tràn mủ màng phổi
Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm khiến việc hô hấp của trẻ gặp nhiều khó khăn, bạch cầu trong máu con tăng cao và bé bắt đầu xuất hiện tình trạng kháng thuốc.
2.4. Trụy tim, tràn dịch màng tim
Khi mắc bệnh viêm phổi, trẻ sơ sinh cũng có thể bị trụy tim, tràn dịch màng tim, nhiễm trùng máu do sốc thuốc, kháng thuốc.
2.5. Kháng kháng sinh
Nếu trẻ mắc phải biến chứng kháng kháng sinh sẽ rất khó điều trị. Bởi vì lúc này, bác sĩ sẽ phải kết hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau để điều trị cho trẻ. Trong những trường hợp như vậy, chi phí chữa bệnh sẽ rất tốn kém và khả năng khỏi bệnh cũng sẽ thấp hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm
3. Cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Để giúp con mau khỏi bệnh, bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau:
3.1. Chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh cho trẻ sơ sinh
– Thức ăn cho bé phải ở dạng mềm, lỏng và dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, mẹ cần phải cho con bú tăng cữ sữa để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
– Cho trẻ ăn nhiều bữa và bú nhiều sữa để làm loãng đờm.
– Trước mỗi bữa ăn, bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và làm thông thoáng đường thở cho trẻ, để con không bị sặc.
3.2. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ và chú ý đến môi trường sống của con
– Nơi ở của bé phải sạch sẽ, thoáng mát và có đầy đủ ánh sáng. Không nên đưa con đến nơi ô nhiễm nhiều khói thuốc lá, khói bụi, có người bị bệnh,…
– Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm sóc bé cũng phải giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tất cả những đồ dùng cá nhân của trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã,… cần phải được vệ sinh sạch sẽ, để khô và vô trùng.
– Cho trẻ nghỉ ngơi ở những nơi yên tĩnh. Khi nằm gối kê cao hơn một chút và thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho bé để tránh hiện tượng phổi ứ máu.
– Cần giữ ấm đúng cách cho con, không nên mặc cho trẻ quá nhiều hoặc quá ít quần áo.
– Nếu bé bị sốt, bố mẹ phải lau người cho con bằng khăn ấm. Trong trường hợp bé bị sốt trên 38,5 độ C, các bậc phụ huynh cho con uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bên ngoài cho bé uống.
– Cần phải đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí kịp thời để chữa khỏi bệnh cho con và hạn chế tối đa biến chứng về sau.
Bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu bị viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nghiêm trọng cần được chú ý kịp thời để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé. Việc nhận diện sớm triệu chứng, áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách và thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ là rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường để đảm bảo bé được chăm sóc và điều trị hiệu quả. Sự chủ động và chăm sóc tận tâm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bé và đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng.