Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tobradex

Tobradex thường được dùng để điều trị cho các tình trạng viêm mắt, nhiễm khuẩn ở mắt,… Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và tần suất nhỏ mắt nhằm đảm bảo an toàn.

1. Công dụng của thuốc Tobradex

Hỗn dịch nhỏ mắt này bao gồm sự kết hợp của 2 hoạt chất chính là dexamethasone và tobramycin. Trong đó:

– Tobramycin: Là chất kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid, tác dụng rộng rãi trên nhiều chủng vi khuẩn gây viêm mắt. Một số nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này liên kết không thuận nghịch với đơn vị 30S của bào quan ribôxôm. Tuy vậy, tobramycin không thể ngăn ngừa hoàn toàn ảnh hưởng của chủng vi rút, nấm hoặc chlamydia. Đa phần các loại vi khuẩn yếm khí cũng không bị tác động bởi tobramycin. Thay vào đó, thuốc có tác dụng chủ yếu đối với vi khuẩn S.aureus và E.coli.

– Hoạt chất dexamethasone: Đóng vai trò là một steroid, giúp chống viêm, ức chế hệ miễn dịch và chống dị ứng. Thành phần này cũng có khả năng cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, tuy nhiên vẫn chưa ứng dụng nhiều trên lâm sàng.

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tobradex

Thuốc gồm sự kết hợp của 2 hoạt chất chính là dexamethasone và tobramycin

2. Chỉ định và chống chỉ định đối với thuốc Tobradex

2.1. Chỉ định

Thuốc này thường được chỉ định sử dụng cho một số trường hợp sau:

– Chữa trị tình trạng viêm mắt có đáp ứng với steroid.

– Chữa trị viêm kết mạc bờ mi, viêm kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc, viêm phần trước nhãn cầu.

– Giảm tình trạng bị sưng đau, kích ứng, viêm đỏ và phù nề.

– Chữa trị tình trạng viêm màng bồ đào trước mạn tính, một số tổn thương do dị vật, hoá chất, tia xạ hoặc bỏng nhiệt.

– Điều trị những trường hợp nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn nông ở mắt hoặc có sự hiện diện của một lượng lớn vi khuẩn ở mắt…

2.2. Chống chỉ định

Cần tránh dùng thuốc này cho các trường hợp sau:

– Người có tiền sử dị ứng với hoạt chất như tobramycin, dexamethasone hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần tá dược nào trong thuốc.

– Người bị bệnh viêm biểu mô giác mạc do Herpes simplex.

– Người bị thuỷ đậu, bệnh đậu bò và một vài tình trạng nhiễm vi rút khác ở kết mạc hoặc giác mạc.

– Người nhiễm vi khuẩn Mycobacterium mắt.

– Người bị nhiễm nấm tại cấu trúc hoặc bộ phận mắt.

– Người vừa phẫu thuật lấy dị vật giác mạc không gặp biến chứng.

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tobradex

Hãy nắm rõ chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc

3.1. Liều dùng của thuốc Tobradex

– Nhỏ mỗi bên mắt (bao gồm cả mắt không viêm) khoảng 1 đến 2 giọt, với tần suất 4 đến 6 lần/ ngày.

– Trong vòng 2 ngày đầu tiên, bệnh nhân có thể tăng liều dùng thuốc so với liều khuyến cáo. Cụ thể là khoảng từ 1 – 2 giọt, mỗi 2h đồng hồ. Nếu nhận thấy những triệu chứng viêm mắt được cải thiện, bạn có thể điều chỉnh liều xuống và giảm tần suất nhỏ mắt. Tuy nhiên, bạn cần tránh việc ngừng thuốc đột ngột.

– Có thể sử dụng thêm thuốc mỡ tra mắt Tobradex vào buổi đêm thay vì dùng hỗn dịch nhỏ mắt.

3.2. Cách sử dụng thuốc Tobradex

Trước khi nhỏ mắt, bệnh nhân cần rửa sạch và lau khô tay để tránh mắt tiếp xúc thêm với vi khuẩn. Tiến hành lắc đều hỗn dịch thuốc trước khi nhỏ mắt. Tuyệt đối không để đầu lọ thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt hoặc bất cứ bề mặt khác bị tổn thương, nhiễm trùng nhằm ngăn ngừa việc nhiễm khuẩn.

Sau khi nhỏ thuốc xong, bạn cần đậy chặt nắp và bảo quản ở nơi khô ráo. Trường hợp bạn đang sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt khác, hãy dùng thuốc giãn cách nhau ít nhất 5 phút và tra thuốc mỡ mắt sau cùng.

Bệnh nhân cũng không nên quá lạm dụng hoặc tự ý sử dụng kéo dài thuốc thêm 2 – 3 ngày khi bệnh khỏi. Bởi điều này có thể dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh.

3.3. Xử trí thế nào khi dùng quá liều hoặc quên liều thuốc?

Xử trí khi quá liều thuốc

Khi dùng quá liều thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như xung huyết, xuất hiện đốm, phù, tăng chảy nước mắt và ngứa mí mắt. Để xử trí tình trạng này, bạn nên nhanh chóng rửa sạch mắt với nước ấm sạch nhằm giúp trôi bớt hoạt chất trong thuốc.

Nếu xuất hiện những phản ứng quá liều nghiêm trọng, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế để được chữa trị.

Xử trí khi bị quên liều thuốc

Với trường hợp bỏ lỡ một liều thuốc, bạn cần bổ sung thuốc càng sớm càng tốt. Nếu đã gần với liều kế tiếp, bạn nên bỏ liều đã quên và sử dụng liều thuốc tiếp theo đúng kế hoạch. Cần chú ý, không được dùng bù liều gấp đôi so với quy định. Bởi điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bị quá liều thuốc.

4. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc mà bạn cần biết

– Ngứa hoặc cảm thấy khó chịu ở vùng mắt.

– Tăng nhãn áp, đau mắt và kích ứng mắt.

– Dị ứng mắt, nhìn mờ, đỏ mắt hoặc đỏ kết mạc.

– Xung huyết, phù mí mắt, đỏ mi mắt hoặc giãn đồng tử.

– Tăng chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.

– Nhiễm khuẩn thứ phát.

– Có sự thay đổi vị giác.

– Đau đầu, buồn nôn, chóng măt, phát ban, sưng mặt và ngứa.

– Có cảm giác bị khó chịu ở vùng bụng.

Nếu nhận thấy có bất cứ triệu chứng nào ở trên, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ. Các tác dụng phụ trên có thể diễn ra khác nhau với mỗi người, từ mức độ nhẹ đến nặng. Do đó, việc theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi dùng thuốc là điều vô cùng quan trọng, giúp xử trí kịp thời khi xảy ra rủi ro sức khỏe.

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tobradex

Bạn cần chú ý tới các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc để xử trí kịp thời

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc

– Không được tiêm thuốc này vào vùng mắt.

– Trong trường hợp xảy ra các phản ứng quá mẫn như bị phát ban đỏ, mẩn ngứa,… bạn hãy ngừng dùng thuốc ngay.

– Trong thuốc chứa dexamethasone (corticosteroid) có khả năng gây suy giảm sức đề kháng, dễ tạo cơ hội nhiễm nấm, nhiễm vi rút, nhiễm khuẩn và làm ẩn các triệu chứng bệnh.

– Tránh dùng kính áp tròng trong thời gian sử dụng thuốc này. Bởi trong thuốc có chứa benzalkonium clorid có khả năng gây kích ứng cho mắt.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Tobradex để bạn tham khảo. Đừng quên đi kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất cứ loại thuốc gì để đảm bảo an toàn, phù hợp với tình trạng bệnh lý của mình nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *