Viêm tai giữa ở trẻ em là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đe dọa tới thính lực của trẻ nên cần được phát hiện, điều trị sớm. Tìm hiểu ngay các dấu hiệu viêm tai giữa, nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả cho trẻ trong bài viết sau đây.
1. Viêm tai giữa là bệnh gì?
Tai giữa có nhiệm vụ truyền các rung động từ màng nhĩ đến tai trong qua chuỗi xương con. Thông qua đó, mọi người có thể nghe thấy âm thanh và nhận thức được các âm thanh mà bản thân đang nghe.
Viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ do cấu trúc tai phức tạp và sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ bị tác nhân có hại tấn công. Đây là sự tổn thương và viêm nhiễm xảy ra ở trong tai giữa do một số loại vi khuẩn, nấm… có hại hoặc do yếu tố bên ngoài môi trường tác động tới.
Hiện nay, có hai dạng viêm tai giữa thường gặp là viêm cấp tính và viêm có dịch tiết. Có khoảng 75% trẻ em dưới 3 tuổi bị viêm tai giữa ít nhất một lần trong đời và có khoảng 50% trẻ trong số này bị viêm tai từ 3-4 lần trở lên.
Viêm tai giữa là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm ở tai thường gặp ở trẻ nhỏ
2. Tác nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm tai giữa thường gặp ở trẻ nhỏ như:
1.1. Hệ miễn dịch kém
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng kém do hệ miễn dịch còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đó cũng là lý do, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh lý nếu không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Hệ miễn dịch của trẻ sẽ khó hoặc không thể chống lại sự tấn công ồ ạt của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus…
1.2. Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh
Tai trong được kết nối trực tiếp với mặt sau của cổ họng qua ống thính giác. Ở trạng thái bình thường, ống thính giác mở ra để chất lỏng và tạp chất ở tai giữa thoát ra ngoài. Trẻ nhỏ có cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng kém nên tác nhân có hại dễ tấn công ngược từ mũi họng và gây viêm tai giữa.
1.3. Mắc bệnh tai mũi họng
Một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm tai giữa hàng đầu là biến chứng của các bệnh lý tai mũi họng. Khi không được điều trị, các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm tai ngoài, viêm xoang… có thể khiến tác nhân có hại gia tăng số lượng mạnh mẽ và tấn công, làm tổn thương cấu trúc của tai giữa.
Viêm tai giữa ở trẻ em thường hình thành do biến chứng của một số bệnh lý về mũi họng
3. Nhận biết bệnh
Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa thường có các biểu hiện đặc trưng, cha mẹ có thể nhận biết như sau:
– Sốt cao
– Đau tai
– Chảy mủ trong tai
– Tai đỏ tấy
– Tai nghe kém
– Ù tai
– Kém phản ứng với âm thanh
– Đau đầu
– Mất thăng bằng
– Người mệt mỏi
– Khó ngủ
– Bỏ ăn
– Quấy khóc…
Trẻ bị viêm tai giữa thường xuất hiện dịch mủ bất thường trong tai, sốt, ngứa tai…
Các triệu chứng này thường biểu hiện rõ rệt trong thời gian đầu trẻ mắc bệnh. Đối với trẻ quá nhỏ, chưa nhận thức được về bệnh lý, cha mẹ có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu như trẻ thường xuyên lấy tay dụi tai, quấy khóc, khó ngủ… Ở giai đoạn viêm cấp tính, điều trị kịp thời sẽ giúp tình trạng thuyên giảm dần ở trẻ. Tuy nhiên, nếu viêm nhiễm cấp tính không được điều trị thì có thể dẫn tới mạn tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm, điều trị phức tạp và kéo dài hơn. Do đó, cha mẹ nên chủ động nhận biết sớm các dấu hiệu kể trên để cho trẻ đi khám kịp thời.
3. Điều trị viêm tai giữa
Để xác định viêm tai giữa, bác sĩ chuyên khoa tiến hành nội soi tai để phát hiện những tổn thương bên trong tai của trẻ. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát tình trạng của các cấu trúc tai trong để đánh giá mức độ viêm nhiễm, giúp đưa ra phương án điều trị phù hợp hơn. Hiện nay, điều trị viêm tai giữa cho trẻ nhỏ thường áp dụng các phương pháp chính như là:
3.1. Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em bằng phương pháp nội khoa
Viêm tai giữa cấp tính thường được phân thành 3 giai đoạn:
– Giai đoạn sung huyết
– Giai đoạn ứ mủ
– Giai đoạn vỡ mủ
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh như:
– Giai đoạn sung huyết: Điều trị nội khoa bằng kháng sinh đường uống để loại bỏ các tác nhân gây bệnh như liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng viêm, chống phù nề, giảm đau, hạ sốt và điều trị kết hợp các bệnh lý tai mũi họng.
– Giai đoạn ứ mủ: Ngoài việc điều trị bằng phương pháp nội khoa như giai đoạn sung huyết thì bác sĩ có thể chỉ định chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ ra ngoài, giảm áp lực cho tai giữa và màng nhĩ.
– Giai đoạn vỡ mủ: Khi vỡ mủ, màng nhĩ thường sẽ bị thủng nên ngoài việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc vào tổn thương trên màng nhĩ để chỉ định điều trị với phương pháp chuyên sâu hơn.
3.2. Phẫu thuật viêm tai giữa ở trẻ em
Phẫu thuật vá nhĩ được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa vỡ mủ khiến màng nhĩ bị thủng nghiêm trọng, không thể tự phục hồi. Phẫu thuật sẽ vá lại màng nhĩ để bảo toàn sức khỏe thính lực cho trẻ. Đồng thời sau phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc để nhanh chóng đẩy lùi viêm nhiễm, thúc đẩy quá trình tai giữa hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Điều trị viêm tai giữa ở trẻ có thể dùng thuốc, chích rạch dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật…
4. Phòng ngừa bệnh
Lơ là trong việc xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học có thể khiến trẻ thường xuyên bị viêm tai giữa. Do đó, mọi người cần trang bị cho bản thân những kiến thức đúng đắn để bảo vệ trẻ trước bệnh viêm tai giữa nguy hiểm.
– Nhắc nhở trẻ rửa sạch tay thường xuyên và không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, đồ dùng ăn uống.
– Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, che miệng khi hắt xì hơi và không nên tiếp xúc nhiều với người đang mắc các bệnh đường hô hấp.
– Không để nước đọng trong tai trẻ khi tắm rửa, bơi lội. Cha mẹ hãy sử dụng khăn mềm để lau sạch nước ở tai ngoài của trẻ, không sử dụng tăm bông để ngoáy tai.
– Cho trẻ bú mẹ đầy đủ và ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể luôn khỏe mạnh, duy trì đề kháng tốt.
– Tiêm ngừa vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ và quy định của Bộ Y tế để xây dựng hàng rào miễn dịch hiệu quả cho bé.
– Hướng dẫn trẻ thường xuyên tập thể dục thể thao và chủ động đưa trẻ đi khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý.
Cha mẹ cần vệ sinh tai đúng cách để phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ
Viêm tai giữa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà cha mẹ cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe tai mũi họng của bé. Hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị là rất quan trọng để ứng phó hiệu quả với tình trạng này. Nguyên nhân viêm tai giữa có thể bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus, và các yếu tố như cảm lạnh hoặc dị ứng có thể làm tăng nguy cơ. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm đau tai, sốt, và khó chịu khi nuốt. Điều trị viêm tai giữa bao gồm việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì vệ sinh tai sạch sẽ. Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời khi cần thiết giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và đảm bảo sức khỏe tối ưu cho bé.