Từ đầu năm đến nay – 18/09/2023, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần 2 tháng 9, thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trải rộng trên 29 quận, huyện. Xem xét những con số này, chúng ta có thể dễ dàng biết được câu trả lời cho câu hỏi sốt xuất huyết ở trẻ có lây không.
Bạn đang đọc: Sốt xuất huyết: Lây mạnh, dễ bùng phát thành dịch
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Sốt xuất huyết ở trẻ có lây không?
Có thể khẳng định chắc chắn: Sốt xuất huyết nói chung và sốt xuất huyết ở trẻ nói riêng, có lây. Không những vậy, sốt xuất huyết còn lây mạnh, dễ bùng phát thành dịch.
Sốt xuất huyết có nguyên nhân phát sinh là virus Dengue, thuộc họ Flaviviridae và có trung gian lây nhiễm là muỗi Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus. Cụ thể, bệnh truyền nhiễm cấp tính này lây từ người sang người theo một quy trình 2 bước như sau:
– Bước 1: Muỗi Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus đốt trẻ sốt xuất huyết và nhiễm virus Dengue.
– Bước 2: Trẻ lành bị đốt bởi muỗi Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus nhiễm virus Dengue, nhiễm virus Dengue và khởi phát sốt xuất huyết.
Muỗi Aedes aegypti và muỗi Aedes albopictus là trung gian lây nhiễm của sốt xuất huyết.
Với phương thức lây nhiễm như trên, chúng ta có thể dự phòng sốt xuất huyết bằng 2 cách: Diệt loăng quăng, muỗi và chống muỗi đốt.
– Diệt loăng quăng, muỗi: Che, đậy cẩn thận các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; lau, rửa chúng thường xuyên và sắp xếp gọn gàng chúng khi không sử dụng. Liên tục thay nước lọ hoa. Thả muối hoặc thả hóa chất vào bát nước kê chân chạn, khay nước thải tủ lạnh,… Dọn dẹp cống rãnh, các vùng nước tù đọng…. Phối hợp tích cực với ngành y tế trong các chiến dịch diệt loăng quăng.
– Chống muỗi đốt: Ngủ màn để chống muỗi đốt cả ban đêm và ban ngày. Dùng các sản phẩm chuyên dụng như bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi,… để xua đuổi muỗi, chống muỗi đốt.
2. Sốt xuất huyết: Tổng quan về nhận biết, biến chứng và điều trị
2.1. Triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết là sốt cao, từ 40 độ C
Triệu chứng sốt xuất huyết tương đối đa dạng và dễ nhầm lẫn với một số bệnh viêm đường hô hấp cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác, như tay chân miệng, thủy đậu, sởi,…
Theo WHO, sốt cao, từ 40 độ C là triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết. Triệu chứng này có thể đi kèm với hai hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ xương khớp, buồn nôn và nôn, nổi hạch, phát ban,…
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách phòng bệnh
Đau đầu là một trong những triệu chứng của sốt xuất huyết.
2.2. Sốt xuất huyết có thể tiến triển đến xuất huyết và suy đa tạng
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể tiến triển đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi nó không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Dưới đây là một số biến chứng có tỷ lệ xuất hiện cao nhất của sốt xuất huyết:
– Giảm tiểu cầu: Sốt xuất huyết có thể làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu trẻ. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ trẻ xuất huyết nội tạng.
– Xuất huyết nội tạng: Khi sốt xuất huyết, hệ thống mao mạch của trẻ bị tổn thương, dẫn đến chảy máu. Hiện tượng chảy máu có thể xuất hiện trên đa cơ quan của cơ thể, thường gặp nhất là não và dạ dày.
– Suy đa tạng như suy tim, suy gan, suy thận,…
– Hội chứng sốt xuất huyết: Đây là hội chứng bao gồm một loạt biến chứng nặng nề của sốt xuất huyết, như giảm tiểu cầu, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng. Hội chứng sốt xuất huyết không được điều trị kịp thời và hiệu quả, có thể gây tử vong.
2.3. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà
Trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết cần được thăm khám tại cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay. Tại đó, chuyên gia sẽ chẩn đoán xác định mức độ nặng – nhẹ của sốt xuất huyết ở trẻ. Nếu sốt xuất huyết nặng, trẻ cần điều trị nội trú. Nếu sốt xuất huyết nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Trong quá trình trong sóc trẻ sốt xuất huyết nhẹ tại nhà, có 4 nội dung chính bố mẹ cần thực hiện. Dưới đây là chi tiết về 4 nội dung đó:
2.3.1. Cho trẻ sốt xuất huyết uống nhiều nước
Mất nước liên quan đến hiện tượng thoát huyết tương, là một hiện tượng phổ biến của sốt xuất huyết. Chính vì vậy, cho trẻ uống nhiều nước để đảm bảo trẻ không mất nước là một yêu cầu rất quan trọng trong chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà. Nước bố mẹ nên cho trẻ sốt xuất huyết uống là:
– Dung dịch Oresol: Pha chế theo hướng dẫn của nhà sản xuất được in trên bao bì, sử dụng nước lọc để pha và không thêm đường vào dung dịch sau pha.
– Nước trái cây giàu Vitamin C như nước chanh, nước cam, nước bưởi, nước ôi, nước dừa.
– Nước lọc.
>>>>>Xem thêm: Ho gà ở trẻ em: bệnh dễ lây nhiễm thành dịch
Để đảm bảo trẻ sốt xuất huyết không mất nước, cho trẻ uống nhiều nước.
2.3.2. Để hạ sốt, giảm đau, cho trẻ dùng paracetamol
Dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau cho trẻ, theo một số lưu ý quan trọng sau:
– Thời điểm sử dụng: Chỉ sử dụng khi trẻ sốt trên 38.5 độ C.
– Liều dùng: 10 – 15mg/kg/lần.
– Tần suất: 4 – 6 giờ/lần.
Aspirin và ibuprofen cũng là những thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ sử dụng aspirin và ibuprofen bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết và suy đa tạng,…
Bên cạnh sử dụng thuốc, bố mẹ cũng có thể chườm mát trán, nách, bẹn để hạ sốt cho trẻ một cách an toàn.
2.3.3. Bổ sung cho trẻ đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết
Nếu trẻ còn bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú và cho trẻ bú nhiều hơn so với bình thường (một ngày 8 – 10 bữa). Nếu trẻ đã ăn dặm, bố mẹ bổ sung dinh dưỡng cho trẻ theo một số lưu ý sau:
– Thực phẩm bố mẹ nên cho trẻ ăn, bao gồm thực phẩm giàu tinh bột như gạo, các loại khoai,…; thực phẩm giàu đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa; thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất và thực phẩm chứa probiotic,…
– Nguyên tắc chế biến: Chế biến thực phẩm cho trẻ theo nguyên tắc 3 L – Lỏng, lạt, lạnh.
2.3.4. Cho trẻ tái khám nếu sốt xuất huyết trở nặng
Nếu trẻ: Đau bụng dữ dội, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo, tiểu máu, đi ngoài phân đen hoặc máu,…), nôn liên tục, vật vã, li bì, lơ mơ,… bố mẹ phải cho trẻ tái khám ngay vì đây là những dấu hiệu cho thấy sốt xuất huyết trở nặng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan mạnh và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt vào mùa mưa khi muỗi phát triển mạnh. Việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi sự chú ý đến vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ nước đọng – nơi muỗi sinh sản, và áp dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng màn chống muỗi và mặc quần áo dài. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức cộng đồng về việc phòng tránh bệnh và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng để điều trị kịp thời. Chủ động phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng.