Sau giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ thường sẽ hết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ không khỏi mà bị bội nhiễm, biến chứng. Bố mẹ cần nhận biết đúng dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu, đồng thời phân biệt rõ tình trạng bội nhiễm, biến chứng để xử lý kịp thời.
1. Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu
Thủy đậu ở trẻ em phát triển qua 4 giai đoạn là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và thoái triển (khỏi bệnh). Trong giai đoạn thoái triển, nếu không bị bội nhiễm, người bệnh sẽ có một số dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu như sau:
Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu ở trẻ như thế nào?
– Các nốt mụn nước vỡ ra, sau đó khô, để lại lớp vảy trên bề mặt. Sau 5 đến 7 ngày, lớp vảy bong ra, trên da không xuất hiện thêm nốt mụn khác.
– Lúc này, trẻ không cảm thấy đau rát, ngứa ngáy do viêm nhiễm nữa. Tình trạng sốt, nóng lạnh thất thường hết hẳn. Trẻ khỏe lại, bớt quấy khóc, vui chơi nhiều và ăn uống tốt hơn.
– Tại vị trí nốt mụn chỉ còn lại những chấm đen (còn gọi là sẹo thâm). Vùng da bị tổn thương bắt đầu bước sang giai đoạn phục hồi, tái tạo tế bào da mới. Dưới lớp vảy xuất hiện da non nên trẻ hơi ngứa một chút. Bố mẹ nên tiếp tục điều trị thuốc chữa bệnh theo đơn. Đồng thời có thể sử dụng một số kem bôi hỗ trợ điều trị sẹo và phục hồi làn da cho trẻ.
2. Dấu hiệu bội nhiễm
Bội nhiễm thủy đậu được xem là một biến chứng của bệnh, dễ gặp ở trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Khi bị bội nhiễm, thời gian phục hồi bệnh lâu hơn gấp 3 lần, nguy cơ tử vong do biến chứng sau bội nhiễm cao hơn 15%.
Khi mụn nước thủy đậu vỡ ra ở trẻ có sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị tích cực, virus VZV sẽ gia tăng, gây biến chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội tạng, tính mạng của trẻ.
Đa phần các trường hợp trẻ bị bội nhiễm thủy đậu do người bệnh gãi làm vỡ mụn nước. Các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường và virus trong mụn vỡ ra sẽ tấn công vào vết thương hở. Nó gây nhiễm trùng ngoài da, hoặc tấn công vào mạch máu, làm trẻ bị nhiễm khuẩn đường huyết.
Khác với dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu, khi mụn nước vỡ và bệnh nhân bị bội nhiễm sẽ có biểu hiện:
– Sốt cao bất thường trở lại như lúc khởi phát bệnh, kèm theo tình trạng nôn ói, lạnh run chân tay.
– Tại vị trí nốt mụn nước có dấu hiệu sưng to, ửng đỏ, trẻ thấy đau nhức và nóng rát.
– Vùng da tổn thương tiết ra dịch màu vàng, đục, kèm theo mùi hôi.
– Dưới chân mụn bị vỡ có hiện tượng loét sâu, hoại tử.
– Khi vùng da khô sẽ để lại sẹo lõm hoặc lồi, thâm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
– Thời gian phục hồi tổn thương trên da kéo dài hơn, có thể gấp 3 lần bình thường.
3. Dấu hiệu nhận biết biến chứng và một số biến chứng cực nguy hiểm
3.1. Dấu hiệu biến chứng
Trong một số trường hợp xấu, trẻ không có dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu mà chuyển sang biến chứng nguy hiểm. Bố mẹ cần hết sức cảnh giác với triệu chứng bất thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát, cho thấy bệnh không hồi phục mà có nguy cơ bội nhiễm. Cụ thể là:
Khi bị biến chứng do thủy đậu, trẻ sẽ sốt cao liên tục nhiều ngày
– Trẻ sốt trở lại và sốt cao liên tục hơn 4 ngày, nhiệt độ cơ thể có thể trên 38.5 độ C.
– Trẻ ho nặng lên, kèm theo biểu hiện khó thở.
– Tại vị trí nốt mụn thủy đậu có chất lỏng màu vàng đặc, dần chuyển sang màu đỏ, hình thành mủ.
– Vùng da phát ban lan rộng, kèm theo biểu hiện xuất huyết dưới da.
– Trẻ bị chóng mặt, mất kiểm soát hoạt động, thậm chí mất ý thức.
– Nhịp tim trẻ đập loạn.
– Cơ thể run, rung lắc, cổ cứng, đầu đau dữ dội, di chuyển khó khăn.
– Trẻ khó nhìn vào ánh đèn đang sáng.
– Nôn mửa nhiều.
3.2. Một số biến chứng nguy hiểm ở trẻ do thủy đậu gây ra
Thông thường, biến chứng do thủy đậu sẽ khiến trẻ bị:
– Nhiễm trùng da và mô mềm.
– Nhiễm trùng hoặc viêm não (tỷ lệ tử vong lên đến 20%).
– Viêm gan, hoặc chức năng của gan bị rối loạn.
– Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi gây tử vong, hoặc xuất huyết phát ban ngoài da.
– Nhiễm trùng máu (do nhiễm liên cầu khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn) gây tổn thương mô, suy tạng, có thể đe dọa tính mạng.
– Hội chứng Reye (bệnh lý não cấp tính và gan nhiễm mỡ hiếm gặp), thường kèm theo biểu hiện co giật, mất ý thức.
– Viêm phổi (ít nguy hiểm hơn so với người lớn).
– Zona thần kinh (thường không khởi phát ngay mà xuất hiện sau khi trẻ khỏi thủy đậu, đề kháng yếu).
4. Làm thế nào để hạn chế bội nhiễm, biến chứng?
Để hạn chế nguy cơ trẻ bị bội nhiễm, biến chứng do thủy đậu, bố mẹ cần cho trẻ khám, điều trị ngay khi phát hiện bệnh. Khi có dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu, cần tiếp tục điều trị hết phác đồ bác sĩ hướng dẫn. Tuyệt đối không chủ quan, ngưng dùng thuốc trước.
Trong quá trình điều trị bệnh, bố mẹ cần thường xuyên sát khuẩn da cho trẻ. Đồng thời giữ gìn môi trường sống trong sạch cho con. Nên kết hợp cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, bổ sung nhiều dưỡng chất giúp trẻ tăng đề kháng, cải thiện viêm, làm lành da.
Khi hết triệu chứng bệnh, bố mẹ vẫn cần chăm sóc sức khỏe, bảo vệ hệ miễn dịch để hạn chế nguy cơ biến chứng Zona thần kinh.
Bệnh thủy đậu có khả năng truyền nhiễm cực mạnh. Để phòng ngừa bệnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai (chưa bị thủy đậu) và trẻ em cần tiêm đầy đủ vacxin phòng bệnh này.
“Kết luận: Việc nhận biết chính xác các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu, cũng như nguy cơ bội nhiễm và biến chứng, là rất quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra an toàn và hiệu quả. Hiểu rõ các triệu chứng và cách xử lý kịp thời sẽ giúp bạn phòng tránh các hậu quả nghiêm trọng, đồng thời bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bản thân và những người xung quanh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.