Mặc dù cùng là một dạng rối loạn tiêu hóa nhưng không giống tiêu chảy, táo bón chưa thực sự được phụ huynh quan tâm. Đây là một sai lầm, bởi táo bón kéo dài có thể khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể khiến trẻ trĩ hoặc tắc ruột… Trong bài viết sau, CAREUP.VN xin chia sẻ với bố mẹ cách xử trí táo bón trẻ em tại nhà đơn giản mà hiệu quả, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Táo bón trẻ em: Hướng dẫn xử trí đơn giản, hiệu quả tại nhà
1. Xác định tình trạng táo bón ở trẻ em như thế nào?
Trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện bố mẹ có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường là trẻ đại tiện phân lớn, cứng, trẻ đau mỗi lần đại tiện, vì đau nên trẻ có thể khóc, vì nỗ lực để đại tiện nên trẻ thường cong chân hoặc cong lưng. Trẻ lớn có thể trốn tránh đại tiện, trẻ không yêu cầu mà nhón chân để nhịn cảm giác muốn đại tiện.
Vì nỗ lực để đại tiện nên trẻ thường cong chân hoặc cong lưng.
2. Nguyên nhân trẻ em táo bón là gì?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ táo bón, phổ biến nhất là chế độ ăn không đủ chất xơ. Chất xơ có vai trò rất quan trọng trong kích thích ruột hoạt động, tạo ra các nhu động ruột đều đặn. Ngoài chế độ ăn không đủ chất xơ thì uống không đủ nước cũng là một nguyên nhân gây táo bón phổ biến, vì nước làm mềm phân, thiếu nước, phân sẽ cứng, gây khó khăn cho việc đại tiện.
Bên cạnh hai nguyên nhân trên, trẻ có thể táo bón do một nguyên nhân không ngờ là trẻ nhịn đại tiện. Nhịn đại tiện thời gian dài khiến phân cứng, lớn và khiến ruột quen với sự tồn tại của khối phân lớn nên không tạo nhu động ruột, tạo cảm giác muốn đại tiện.
Một số nguyên nhân ít gặp hơn của táo bón trẻ em là các bệnh lý tiêu hóa (phình đại tràng, hẹp đại tràng, hẹp trực tràng – hậu môn bẩm sinh…), các bệnh lý thần kinh (tổn thương vùng cùng cụt, thoát vị màng não tủy, bại não…), các bệnh lý toàn thân (suy giáp, tăng canxi máu,…)…
Với những nguyên nhân trên, chúng ta có thể thấy táo bón dễ xuất hiện ở những trẻ sau:
– Trẻ bắt đầu ăn dặm: Trước tháng thứ 3, trẻ bú mẹ hoàn toàn nên ít táo bón. Sau tháng thứ 3, do chưa quen sữa công thức và thức ăn dặm, trẻ có thể táo bón. Trẻ chưa quen thức ăn là một mặt; mặt khác, bố mẹ cũng có thể chưa quen xây dựng và thực hiện một chế độ ăn giàu chất xơ, trẻ ăn thiếu chất xơ sẽ táo bón.
– Trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo: Đây là thời điểm có nhiều thay đổi trong sinh hoạt của trẻ và trẻ có thể táo bón do không quen với thức ăn được cung cấp tại trường, do nhịn đại tiện vì sợ cô giáo, sợ nhà vệ sinh bẩn, thiếu riêng tư…
Tìm hiểu thêm: Giải đáp viêm tai giữa mạn tính ở trẻ khác gì viêm tai giữa cấp
Chế độ ăn không đủ chất xơ là nguyên nhân phổ biến nhất gây táo bón.
3. Xử trí táo bón trẻ em tại nhà ra sao?
3.1. Hướng dẫn xử trí táo bón trẻ em tại nhà hiệu quả, đơn giản
3.1.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Để cải thiện tình trạng táo bón, bố mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ. Thông thường, tình trạng táo bón sẽ giảm và biến mất khi bố mẹ cho trẻ uống đủ nước và thực hiện những lưu ý sau:
– Trẻ bú mẹ: Mẹ thay đổi chế độ ăn của bản thân, hạn chế thực phẩm cay nóng và tăng cường thực phẩm giàu chất xơ.
– Trẻ ăn dặm: Bố mẹ bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn cho trẻ. Thực phẩm giàu chất xơ là rau xanh và hoa quả chín như rau lang, rau mồng tơi, khoai lang… Nếu trẻ không chịu ăn, bố mẹ có thể cho trẻ uống sinh tố rau củ quả thay thế.
3.1.2. Tập luyện thói quen đại tiện khoa học cho trẻ
Khi trẻ đại tiện, hướng dẫn trẻ để chân và bàn chân sao cho thoải mái, hít sâu trước khi rặn và nín thở trong khi rặn. Khen ngợi khi trẻ làm tốt để xoa dịu cảm giác sợ đại tiện của trẻ.
3.1.3. Mát xa bụng
Để kích thích ruột hoạt động, tạo ra các nhu động ruột đều đặn, bố mẹ có thể mát xa bụng cho trẻ như sau: Mát xa theo vòng tròn, từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ, mỗi ngày 3 – 4 lần vào giữa các bữa ăn. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể kích thích ruột hoạt động bằng cách giữ hai đầu gối trẻ, gập từ từ chân phải về phía vai phải rồi duỗi chân phải thẳng, lặp lại tương tự với chân trái.
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn nhận biết dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ em
Để kích thích ruột hoạt động, tạo ra các nhu động ruột đều đặn, bố mẹ có thể mát xa bụng cho trẻ như sau.
3.1.4. Khuyến khích trẻ vận động
Trẻ nên vận động ít nhất 30 phút/ngày; vận động không chỉ giúp trẻ tăng thể lực mà còn giúp kích thích cơ bụng, cơ hậu môn, cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
3.2. Đâu là thời điểm táo bón trẻ em cần điều trị bởi bác sĩ?
Trong một số trường hợp, trẻ nên được khám và điều trị với bác sĩ ngay khi táo bón, thay vì chỉ tự điều trị tại nhà. Những trường hợp đó là:
– Trẻ táo bón dưới 4 tháng tuổi
– Trẻ tái đi tái lại tình trạng táo bón
– Trẻ đã điều trị táo bón nhưng không cải thiện
– Trẻ táo bón đại tiện phân có máu
– Trẻ táo bón đi kèm triệu chứng đau bụng, đau hậu môn
“Kết luận: Xử trí táo bón ở trẻ em một cách hiệu quả tại nhà là điều quan trọng để cải thiện sự thoải mái và sức khỏe của trẻ. Áp dụng các phương pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường nước và vận động sẽ giúp giảm triệu chứng táo bón nhanh chóng. Bố mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ và thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự tư vấn và điều trị chính xác. Chủ động trong việc chăm sóc sẽ giúp trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và duy trì sự phát triển tốt nhất.”