Nắm rõ 5 điều cần biết về thuốc Sucralfate

Sucralfate là một loại thuốc quen thuộc trong quá trình điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Cơ chế tác dụng của hoạt chất này là bám dính và tạo ra lớp màng bảo vệ niêm mạc tổn thương. Cùng tìm hiểu về loại thuốc này trong bài viết dưới đây để biết cách sử dụng phù hợp.

Bạn đang đọc: Nắm rõ 5 điều cần biết về thuốc Sucralfate

1. Sucralfate gel là loại thuốc gì?

Sản phẩm này được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống. Trong mỗi gói 5ml chứa những thành phần sau:

– Hoạt chất chính gồm Sucralfate 1g.

– Thành phần tá dược như HPMC 615, PEG 6000, Sorbitol 70%, Sucralose, Methyl paraben, Propyl paraben, Propylene glycol, Colloidal Silicon dioxide, Hương dâu, Nước tinh khiết vừa đủ 5ml.

– Hoạt chất này thuộc nhóm thuốc có tác dụng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, dùng chủ yếu trong điều trị loét dạ dày, tá tràng.

Nắm rõ 5 điều cần biết về thuốc Sucralfate

Sản phẩm thuốc này được bào chế ở dạng hỗn dịch uống

2. Đặc điểm dược lý của hoạt chất này

2.1. Dược lực học

Về cơ chế, thuốc chỉ mang lại hiệu quả tại chỗ (tại vị trí ổ loét) thay vì các tác dụng toàn thân. Trong môi trường acid dịch vị, thuốc biến đổi sang một phức hợp, tính chất như bột hồ. Do đó, thuốc có khả năng bám dính vào vùng niêm mạc bị tổn thương. Bạn cần lưu ý, hoạt chất này không có khả năng trung hòa nhiều nồng độ acid dạ dày. Khi sử dụng đúng liều khuyến cáo, thuốc không mang lại công dụng kháng acid. Tuy nhiên, việc bám dính vào niêm mạc dạ dày tá tràng cũng đã mang tới tác dụng bảo vệ vị trí loét niêm mạc.

Thuốc có ái lực mạnh với niêm mạc có vết loét, gấp 6 – 7 lần so với niêm mạc dạ dày bình thường. Thuốc giúp tạo nên một hàng rào bảo vệ ổ loét, bên cạnh khả năng ức chế tác dụng tiêu protein của pepsin qua cơ chế ngăn pepsin gắn vào albumin, fibrinogen… trên bề mặt ổ loét. Hàng rào do thuốc này tạo ra cũng ngăn cản ion H+ khuếch tán trở lại bằng cách tương tác trực tiếp với acid tại bề mặt ổ loét.

Thuốc còn có khả năng hấp thụ acid mật, ức chế khuếch tán trở lại Acid glycocholic. Đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của Acid taurocholic. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc này đối với acid mật trong điều trị loét dạ dày tá tràng vẫn chưa được xác định rõ ràng.

2.2. Dược động học

– Hấp thu: Hoạt chất này khi uống có mức độ hấp thu rất ít (dưới 5%). Đặc điểm này có thể bởi thuốc phân cực cao và độ hòa tan thấp trong môi trường dạ dày.

– Phân bố: Thuốc hấp thu rất ít và đa số sẽ khu trú tại những vị trí niêm mạc bị tổn thương.

– Chuyển hóa: Do hấp thu ít nên quá trình chuyển hóa chất này là không đáng kể.

– Thải trừ: 90% hoạt chất này được thải trừ qua phân, một lượng rất nhỏ hấp thu và bài tiết qua nước tiểu dưới dạng hợp chất không đổi.

Tìm hiểu thêm: Tham khảo thông tin chi tiết về thuốc Osimert 80mg

Nắm rõ 5 điều cần biết về thuốc Sucralfate

Thuốc hấp thu rất ít và đa số sẽ khu trú tại những vị trí niêm mạc tổn thương

3. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc này

Các trường hợp có thể dùng thuốc này đó là:

– Người cần điều trị ngắn ngày (tối đa 8 tuần) bệnh loét tá tràng, loét dạ dày lành tính hoặc viêm dạ dày mạn tính.

– Dự phòng chảy máu dạ dày ruột bởi loét liên quan tới việc bị căng thẳng.

– Viêm loét miệng do hóa trị liệu ung thư hoặc nguyên nhân khác liên quan tới thực quản và dạ dày.

– Người bị bệnh viêm thực quản.

– Cần dự phòng tình trạng tái phát bệnh loét dạ dày, tá tràng.

Bên cạnh đó, thuốc này không được sử dụng cho những trường hợp người có cơ địa mẫn cảm với thuốc hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

4. Tham khảo về liều lượng sử dụng thuốc

4.1. Liều Sucralfate cho người trưởng thành và trẻ trên 15 tuổi

– Loét tá tràng và viêm dạ dày: Dùng 2g/lần, 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ) hoặc uống 1g/lần, 4 lần/ngày (uống 1 giờ trước 3 bữa ăn và trước khi đi ngủ), thời gian từ 4 tới 8 tuần (nếu cần có thể kéo dài tối đa 12 tuần). Liều tối đa của thuốc là 8g/ngày.

– Loét dạ dày lành tính: Uống 1g/lần, 4 lần uống/ngày. Bệnh nhân cần duy trì điều trị tới khi vết loét lành hẳn (thông qua nội soi). Thời gian thông thường khoảng 6 tới 8 tuần.

– Dự phòng tái phát bệnh loét tá tràng: Uống 1g/lần. Ngày uống 2 lần, thời gian điều trị tối đa là 6 tháng. Nguyên nhân dẫn tới tái phát loét tá tràng thường là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Do đó, để điều trị hoàn toàn, bệnh nhân cần có phác đồ diệt trừ H.P bằng các loại kháng sinh.

– Dự phòng loét do bị căng thẳng: Uống 1 gói thuốc mỗi lần, 4 lần/ngày, liều tối đa là 8g/ngày.

– Phòng bệnh xuất huyết dạ dày ruột khi loét do căng thẳng: Uống 1g/lần, 6 lần/ngày và tối đa 8 g/ngày.

– Viêm loét ở miệng: Súc miệng bằng hỗn dịch này với liều lượng 1g/5ml và 4 lần/ngày.

4.2. Liều Sucralfate khuyến cáo với trẻ dưới 15 tuổi

– Từ 1 tháng tới dưới 24 tháng: Dùng 250mg/lần, 4 – 6 lần/ngày.

– Từ 2 tuổi tới dưới 12 tuổi: Dùng 500mg/lần, 4 – 6 lần/ngày.

– Từ 12 – 15 tuổi: Dùng 1g/lần, 4 – 6 lần/ngày.

– Liều thuốc cho người suy thận: Thuốc hấp thu rất ít nhưng vẫn có nguy cơ gây tích lũy ở người bị suy chức năng thận. Do đó, phải thận trọng khi sử dụng thuốc trong trường hợp này.

5. Một vài lưu ý cho bạn khi dùng thuốc này

Người bị suy thận cần thận trọng khi sử dụng thuốc này do nguy cơ tăng tích lũy nhôm ở trong huyết thanh (đặc biệt khi dùng dài ngày). Những trường hợp bị suy thận nặng nên tránh sử dụng sản phẩm có chứa chất Sucralfate.

– Nữ giới có thai: Vẫn chưa xác định được tác dụng gây hại của chất này đến thai nhi. Mặc dù thuốc hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa, tuy nhiên phụ nữ mang thai tốt nhất chỉ nên dùng thuốc này trong trường hợp thật cần thiết.

– Nữ giới cho con bú: Chưa rõ khả năng bài tiết vào sữa mẹ của chất này. Trường hợp có thể thì lượng chất này bài tiết cũng sẽ rất ít bởi bản chất lượng thuốc hấp thu vào cơ thể rất ít.

– Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc này có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ. Do đó, người bệnh tốt nhất nên hạn chế lái xe hoặc vận hành máy móc phức tạp cho tới khi đảm bảo sự an toàn.

Nắm rõ 5 điều cần biết về thuốc Sucralfate

>>>>>Xem thêm: Acyclovir 400mg – Thuốc kháng virus hiệu quả

Người bệnh tốt nhất nên hạn chế lái xe cho tới khi đảm bảo sự an toàn

Trên đây là một số thông tin quan trọng về loại thuốc Sucralfate để bạn tham khảo. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết nhất về liều dùng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *