Để trẻ sớm phục hồi và khỏi bệnh tay chân miệng, dinh dưỡng cho trẻ cũng là một yếu tố quan trọng mà bố mẹ cần hết sức lưu ý. Trong bài viết sau, CAREUP.VN xin giải đáp chi tiết thắc mắc bé bị tay chân miệng nên ăn gì, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Giải đáp: Bé bị tay chân miệng nên ăn gì?
1. Cách bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ tay chân miệng nhanh hồi phục
1.1. Giải đáp chi tiết: Bé bị tay chân miệng nên ăn gì?
1.1.1. Cho trẻ uống nhiều nước
Để giúp làm dịu cảm giác đau tại các vết loét trong miệng, họng, ngoài cho trẻ súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý 0.9%, 3 – 4 lần/ngày, bố mẹ còn nên cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ nên uống nước lọc, nước trái cây, đặc biệt là nước dừa, vì nước dừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất điện giải và chất chống oxy hóa. Cho trẻ uống nhiều nước không chỉ giúp giảm đau miệng, đau họng mà còn giúp bù nước, bù điện giải cho trẻ – một việc rất cần thiết khi trẻ sốt, mất nước, mất điện giải.
Nước dừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất điện giải và chất chống oxy hóa.
1.1.2. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhạt, nguội
Trẻ tay chân miệng thường có tổn thương niêm mạc miệng, tồn tại dưới dạng phỏng nước. Những phỏng nước này vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét, gây đau, khiến trẻ khó ăn uống. Vì vậy, thức ăn lỏng, nhạt, nguội, ít làm trẻ tay chân miệng đau hơn và dễ ăn hơn.
1.1.3. Những thực phẩm bố mẹ nên tăng cường cho trẻ tay chân miệng ăn
Bố mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm vì kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa có khả năng làm lành vết loét, giúp trẻ
– Vitamin A là vi chất rất cần thiết cho sự phát triển các mô trong hệ cơ xương. Chưa hết, Vitamin A còn giúp duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc. Vi chất này cũng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh lý nhiễm trùng. Một số thực phẩm như thịt, gan, bầu dục lợn, cá, tôm, trứng, sữa, các loại rau xanh sẫm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí,…; các loại củ quả màu vàng như gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài,… chứa nhiều beta-caroten hay tiền Vitamin A. Trong cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.
– Vitamin C là một chất chống oxy hóa, có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như chanh, cam, bưởi, ổi, kiwi, đu đủ, dâu tây,… và các loại rau như bông cải xanh, cà chua, ớt chuông,… Tuy nhiên, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ uống các loại nước trái cây có tính acid như nước chanh, nước cam khi trẻ đang bị loét miệng.
Tìm hiểu thêm: Trẻ bị sốt co giật: cách xử trí an toàn
Vitamin C có nhiều trong ổi
– Kẽm có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với hệ miễn dịch. Không những thế, kẽm còn cần thiết cho việc làm lành vết thương. Kẽm giúp bảo vệ vị giác và khứu giác, làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ. Nguồn thực phẩm giàu kẽm tốt cho trẻ tay chân miệng bao gồm: Thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, các loại hạt (đậu nành, đậu xanh, hạnh nhân,…), giá đỗ, nấm, hành tây, cà rốt, khoai lang,…
1.2. Thực phẩm trẻ tay chân miệng không nên ăn
Bố mẹ không nên cho trẻ tay chân miệng ăn thức ăn cứng, có vị mạnh (như đồ chua, cay, mặn,..) và nóng. Thức ăn mà trẻ cần nhai nhiều cũng nên hạn chế.
2. Một số lưu ý khác trong điều trị ngoại trú cho trẻ tay chân miệng
Tay chân miệng hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tức là ngoài bù nước, bù điện giải và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ như những lưu ý trên, bố mẹ còn cần hạ sốt và chăm sóc các tổn thương da, tổn thương niêm mạc cẩn thận:
– Hạ sốt: Chườm ấm trán, nách, bẹn cho trẻ bằng nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ C; cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và nghỉ ngơi trong không gian lưu thông không khí tốt. Nếu cách đó không hiệu quả, cho trẻ uống paracetamol đơn chất, tuy nhiên, khi và chỉ khi trẻ sốt trên 38.5 độ C với liều dùng 10-15mg/kg/lần, 4 – 6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo bé bị nhiễm trùng đường ruột và cách điều trị
Hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol khi trẻ sốt trên 38.5 độ
– Vệ sinh tổn thương niêm mạc: Cho trẻ súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý 0.9% ấm 3 – 4 lần/ngày.
– Vệ sinh tổn thương da: Tắm hoặc lau người mỗi ngày cho trẻ bằng nước ấm và các sản phẩm sát khuẩn phù hợp. Khi tắm cần thao tác nhẹ nhàng để tránh làm vỡ phỏng nước, khiến chúng nhiễm trùng.
– Khi trẻ có các dấu hiệu: Sốt cao khó hạ hoặc sốt liên tục trên 2 ngày; tổn thương thần kinh (run tay chân, đi đứng loạng choạng; ngủ gà, giật mình chới với); da nổi mẩn; thở nhanh, thở rít, khàn tiếng; nôn/ói trên 3 lần/giờ;… bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi bé bị tay chân miệng nên ăn gì. Theo đó, đầu tiên, trẻ cần uống nhiều nước (nước lọc, nước trái cây, dung dịch Oresol). Tiếp theo trẻ nên ăn thức ăn đươc chế biến theo nguyên tắc 3L – Lỏng, lạt, lạnh (nguội). Thực phẩm trẻ nên ăn là những thực phẩm giàu Vitamin A, Vitamin C và kẽm (ví dụ như chanh, cam, bưởi, ổi, kiwi, dâu tây,… các loại thịt,…). Ngoài bổ sung dinh dưỡng, để trẻ nhanh chóng hồi phục, bố mẹ cần chú ý hạ sốt cho trẻ khi cần (bằng cách chườm mát trán, nách, bẹn và uống Paracetamol đơn chất), vệ sinh các tổn thương niêm mạc miệng (bằng nước muối sinh lý 0.9%) và các tổn thương da (bằng nước sạch, ấm) cẩn thận. Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu có dấu hiệu bất thường, cho trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay lập tức.
“Kết luận: Chế độ ăn uống phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và hồi phục cho bé bị tay chân miệng. Việc chọn lựa thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng và tránh những thực phẩm có thể kích thích hoặc làm tình trạng bệnh nặng hơn là rất cần thiết. Bài viết đã cung cấp hướng dẫn chi tiết về những loại thực phẩm nên và không nên cho bé, giúp bố mẹ có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn uống dựa trên tình trạng sức khỏe của trẻ. Chủ động chăm sóc dinh dưỡng cho bé sẽ hỗ trợ nhanh chóng hồi phục và bảo vệ sức khỏe toàn diện.”