Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh có thể gây thủng màng nhĩ… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức nghe – sức nói của trẻ, đặc biệt là với những trẻ chưa nói sõi. Để hạn chế tối đa nguy cơ này, cần phát hiện kịp thời, điều trị sớm và nghiêm túc viêm tai giữa. Trong bài viết này, CAREUP.VN xin chia sẻ với bố mẹ cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em chuẩn xác, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Contents
1. Khái niệm viêm tai giữa
Tai được cấu thành bởi 3 bộ phận: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai giữa bao gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và xương con (xương con lại bao gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp), có nhiệm vụ đón và truyền rung động từ môi trường bên ngoài vào tai trong, thông qua màng nhĩ và xương con, để những rung động này được chuyển thành xung thần kinh rồi thành âm thanh mà chúng ta nghe.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 80% trẻ 3 tuổi trở lên sẽ ít nhất một lần trong đời mắc viêm tai giữa. Vậy, chính xác thì viêm tai giữa là bệnh lý gì? Hiểu đơn giản, viêm tai giữa là bệnh lý mà trong đó, tại tai giữa xuất hiện tình trạng nhiễm trùng. Tùy mức độ nhiễm trùng đó mà viêm tai giữa được phân loại thành: Viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa mãn tính và viêm tai giữa ứ dịch:
– Viêm tai giữa cấp tính: Phát sinh từ hiện tượng rối loạn chức năng vòi nhĩ (rối loạn chức năng vòi nhĩ lại phát sinh từ các bệnh lý viêm đường hô hấp) hoặc viêm VA.
– Viêm tai giữa mãn tính: Bản chất chính là viêm tai giữa cấp tính nhưng kéo dài dai dẳng, thường ít nhất là 3 tháng.
– Viêm tai giữ ứ dịch: Là viêm tai giữa mà trong đó, niêm mạc tai giữa trẻ nhiễm trùng và chảy dịch. Dịch này ứ đọng sau màng tai, thường ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
2. Nguyên nhân viêm tai giữa
Theo các nhà nghiên cứu, đối với trẻ nhỏ vòi nhĩ thường ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên các chất xuất tiết ở họng, mũi,… chứa tác nhân tiêu cực gây nhiễm trùng dễ lan đến tai. Bên cạnh đó, hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi, họng, vòm tai,…) của trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm, dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng xuất tiết dịch khiến dịch bị ứ đọng trong tai gây ra viêm nhiễm. Có hai nguyên nhân gây ra viêm tai giữa là:
– Nguyên nhân tự thân: Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện hoặc bẩm sinh trẻ mắc bệnh lý về miễn dịch hoăc trẻ có cấu trúc giải phẫu học không bình thường vùng mũi – họng…
– Do tác động của môi trường bên ngoài: Trẻ nhiễm vi trùng, khói thuốc lá, dị ứng với phấn hóa, lông động vật, bé vô tình tự chọc vào tai, mùa hè trẻ đi bơi bị nước vào tai…
3. Dấu hiệu nhận biết
Viêm tai giữa là bệnh lý có cả triệu chứng điển hình và triệu chứng không điển hình. Theo đó, triệu chứng không điển hình của viêm tai giữa hoàn toàn tương đồng với triệu chứng của các bệnh lý viêm đường hô hấp, như: Sốt, ho, chảy mũi,…. Sử dụng những dấu hiệu nhận biết đó, bố mẹ khó có thể khẳng định được trẻ có hay không bị viêm tai giữa. Để phỏng đoán sự tồn tại của bệnh lý này, bố mẹ cần ghi nhớ và đối chiếu biểu hiện của trẻ với những biểu hiện viêm tại giữa điển hình là: Trẻ đau đầu, đau tai, phản ứng kém hoặc không phản ứng với âm thanh, giữ thăng bằng kém hoặc không giữ được thăng bằng, tai chảy dịch, quấy khóc dữ dội,…
4. Biến chứng
Như đã đề cập phía trên, viêm tai giữa có thể làm trẻ thủng màng nhĩ, điếc vĩnh viễn. Trong những trường hợp biến chứng nhẹ nhàng hơn, trẻ sẽ bị suy giảm thính lực. Ngoài những biến chứng liên quan đến sức nghe, viêm tai giữa còn nhiều biến chứng liên quan đến não, như viêm màng não, viêm não,… Đây là những biến chứng cực kỳ tai hại, ảnh hưởng đến cả thể chất và tính thần trẻ.
5. Cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em chuẩn xác từ chuyên gia
5.1. Chẩn đoán
Để viêm tai giữa không biến chứng, cho trẻ thăm khám và điều trị với chuyên gia ngay khi dấu hiệu viêm tai giữa xuất hiện là vô cùng cần thiết.
Để chẩn đoán viêm tai giữa, thăm khám quan trọng nhất trẻ cần thực hiện là nội soi tai mũi họng. Đây là một thăm khám cận lâm sàng. Ngoài thăm khám này, một số thăm khám cận lâm sàng khác cũng có thể sẽ được chuyên gia chỉ định cho trẻ là: Chụp X-quang ngực thẳng, xét nghiệm máu. Bên cạnh các thăm khám cận lâm sàng, trẻ cũng sẽ được được chuyên gia thăm khám lâm sàng (khai thác tiền sử và dấu hiệu bệnh lý). Thăm khám lâm sàng luôn luôn được thực hiện trước thăm khám cận lâm sàng.
5.2. Điều trị
Sau thăm khám và chẩn đoán xác định viêm tai giữa, tùy thuộc tình trạng viêm tai giữa, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể, một trong ba kịch bản điều trị sau sẽ được áp dụng:
– Kịch bản 1, viêm tai giữa giai đoạn xung huyết: Trẻ chủ yếu được sử dụng kháng sinh toàn thân, thường sẽ là nhóm B Lactam – là nhóm kháng sinh cho hiệu quả rất cao. Ngoài ra, trẻ có thể sẽ được chỉ định dùng kết hợp một số thuốc giảm nhanh các triệu chứng bệnh như: Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, chống phù nề,…
– Kịch bản 2, viêm tai giữa giai đoạn chảy mủ: Ngoài kháng sinh toàn thân, trẻ phải được trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ ra ngoài. Mặc dù là một tiểu phẫu, trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ vẫn cần được thực hiện bởi chuyên gia có tay nghề cao.
– Kịch bản 3, viêm tai giữa giai đoạn chảy mủ nhiều: Mủ xuất hiện nhiều có thể khiến phần mỏng nhất của màng nhĩ vỡ. Trường hợp này, trẻ cần được điều trị ngay bằng các thuốc giảm đau như otipax, thuốc chống viêm, phù nề. Nếu bệnh nặng, có thể trẻ phải phẫu thuật trị bệnh.
Phía trên là cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp một cách nhanh chóng, liên hệ CAREUP.VN ngay, bố mẹ nhé!